Mình tìm đến cuốn sách này sau khi học xong bài “Trong lòng mẹ” của Ngữ văn 8 cũ. Một cuốn sách không quá một trăm trang nhưng lại vô cùng nặng nề, chứa đựng bao sự uất ức, tủi hờn của một tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn của Nguyên Hồng. Qua từng trang sách, Nguyên Hồng đã khắc hoạ một gia đình, một xã hội đầy u uất, đen tối trước cách mạng tháng 8 và những phận người trong xã hội ấy, độc ác, cay nghiệt, hay hiền dịu, cam chịu...
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ NGUYÊN HỒNG VÀ TÁC PHẨM NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng (1918-1982). Nguyên Hồng sinh ra tại phố Hàng Cau, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, là một cây bút đầy tài năng của nền văn học Việt Nam. Ông được biết đến là “nhà văn viết cho phụ nữ và trẻ em” hay “nhà văn của những người cùng khổ”.

Hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng
Ra đời vào năm 1939 khi ấy Nguyên Hồng chỉ mới 20 tuổi, Thạch Lam đã từng nhật xét rằng :”Đó là những rung động cực điểm của tâm hồn trẻ dại”. Tác phẩm “Những ngày thơ ấu” là một cuốn hồi kí dài vỏn vẹn 9 chương kể về tuổi thơ đầy cơ cực, nghèo khổ và bất hạnh của chính tác giả. Thuở thơ ấu ông lớn lên trong một gia đình vốn khá dư dả mặc dù không mấy hạnh phúc, với người bố làm đề lao và một người mẹ dịu hiền, tần tảo. Thế nhưng, sự dư dả, sung túc ấy chẳng được bao lâu khi mà cha của Nguyên Hồng mất. Mẹ ông lén lút đi bước nữa, bị gia đình nhà chồng hắt hủi, không được chăm sóc con của mình. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đi tình thương, ông phải sống một cuộc sống đầy tủi nhục, chua chát khi ở chung với những người máu mủ ruột thịt của mình là bà nội và người cô của mình .

Những ngày thơ ấu